Lịch Sử Nhà Thờ Giáo Xứ Klâu Rơngol - Giáo Phận Kon Tum



ĐÔI NÉT LỊCH SỬ GIÁO XỨ KLÂU RƠNGOL
(GIÁO PHẬN KON TUM)







Giáo xứ Klâu Rơngol nằm cách Tòa giám mục Kon Tum khoảng 16 km về hướng Tây Nam, thuộc xã Ia Chim, Thành phố Kon Tum. Dân số Công giáo: 4.200 người. Giáo xứ trải rộng trên địa bàn 12 làng sắc tộc Jrai: Klâu Rơngol, Klâu Klah, Plei Sar, Plei Lay, Plei Bur, Plei Weh, Plei Lâm Tùng, Plei Druân, Plei Kẽnh, Plei Yut, Plei Tum và Plei Mok.

Cha sở hiện tại: Linh mục Phêrô Trần Quốc Hải (sinh 1972 - Lm 2008 - Chính xứ từ 01/09/2013).

Giáo xứ Klâu Rơngol có một bề dày lịch sử hơn 100 năm đón nhận đức tin (từ năm 1903), tính từ thời điểm làng gốc Ia Klâu chưa chia tách làng[1]. Trải qua biết bao thăng trầm, từ những thời kỳ gian nan thử thách ban đầu, đến giai đoạn sau này qua bao đổi thay, chiến cuộc…dân làng vẫn giữ vững niềm tin vào Chúa và sống chứng nhân loan báo Tin Mừng cho anh chị em xung quanh.

Chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử Giáo xứ Klâu Rơngol dưới những đề mục sau:
1.      Trung tâm truyền giáo cho người Jrai tại Plei Chư (1853).
2.      Làng Ia Klâu theo đạo cho đến Họ đạo Klâu Rơngol (1903-2013).
3.      Giáo xứ Klâu Rơngol tiến bước hướng đến tương lai (2013-…).

I. TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI JRAI TẠI PLEI CHƯ (1853)

Sau khi các vị thừa sai khám phá ra đồng bằng Kon Tum (1851), Đức Cha Stêphanô Cuénot (Thể) đã phân chia lãnh vực phụ trách mục vụ cho các thừa sai Miền Truyền Giáo Tây nguyên, qua việc thiết lập 4 Trung Tâm Truyền Giáo:
1) Trung Tâm Kon Kơxâm: cha Combes (Bê), Bề trên Miền, phụ trách truyền giáo cho bộ tộc Bahnar-Jơlơng, thuộc vùng Đông Bắc.
2) Trung Tâm Plei Rơhai: cha Dégouts (Đề) và Thầy Sáu Do đặc trách truyền giáo cho bộ tộc Bahnar-Rơngao vùng đồng bằng sông Dak Bla.
3) Trung Tâm Kon Trang: cha Dourisboure (Ân) đặc trách truyền giáo cho bô tộc Xêđăng về hướng Bắc.
4) Trung Tâm Plei Chữ: cha Fontaine (Phẩm) đặc trách truyền giáo cho bộ tộc Jrai ở hướng Nam[2].

Vào đầu năm 1853, cha Fontaine (Phẩm) đã đến ở làng Plei Chữ gần làng Plei Jơdrâp bây giờ, ngài ở đó gần hai năm[3].  Nhưng việc truyền giáo đã chuốc lấy thất bại hoàn toàn vì người bộ lạc Jrai vùng đó quá cứng lòng, không muốn nghe nói đến việc từ bỏ những tập tục mê tín dị đoan. Do đó, Đức Cha Cuénot đã chỉ thị ngài đến sống với dân tộc Pnong (nay thuộc Dak Lak). Không được bao lâu, ngài được chuyển đến truyền giáo tại Campuchia và năm 1856, đến truyền giáo tại Thái Lan. Năm 1860, ngài trở về vùng truyền giáo giáo phận Tây Đàng Trong và làm việc mục vụ tại Bà Rịa (năm 1863), rồi coi sóc cộng đoàn tín hữu Giong Rum (năm 1869). Vì bệnh tái phát, ngài phải về Pháp cuối năm 1870 và qua đời tại Đại chủng viện Laval vào ngày 28/ 01/1871[4].

Về địa danh làng Plei Chữ, hiện không thể xác định được địa điểm cũng như con cháu hậu duệ nay thuộc về làng nào, cũng như vị trí nơi cha Fontaine đã đặt làm bản doanh lưu trú vào năm 1853 là nơi nào!? Lý do vì sự hiện diện của Cha Fontaine trong vùng cũng như sự tồn tại của TTTG Plei Chữ quá ngắn (chưa đầy 2 năm); cộng với tập tục hay dời làng vì nhiều nguyên do khác nhau, như cha Dourisboure ghi nhận: “Trong thời kỳ tôi đang nói đây thì bộ lạc Jrai chiếm cứ một phần đất rộng lớn ở phía Nam sông Dak Bla, nay đã phân tán đi các nơi, sát nhập vào các bộ lạc khác vì sợ dân Hadrông (vùng Pleiku ngày nay)”[5].

Theo cha cố Giacôbê Nguyễn Tấn Đường (1919-2013), cha sở Plei Jơdrâp từ 1963-2006, có một làng mang tên Plei Chữ nằm phía ngoài Ủy Ban xã Đăk Năng  khoảng 2 cây số (thuộc thành phố Kon Tum ngày nay). Tuy nhiên cũng không có bất cứ cơ sở và bằng chứng nào về địa danh cũng như con cháu của làng này có liên quan đến điểm truyền giáo Plei Chữ xưa kia[6]. 

Chỉ biết rằng Plei Chữ ngày xưa nằm phía dưới làng Plei Jơdrâp (giáo xứ Plei Jơdrâp ngày nay)[7], thì cũng thuộc trong vùng kề cận làng Ia Klâu - tiền thân của các làng Klâu Rơngol, Klâu Klah và các làng khác (giáo xứ Klâu Rơngol ngày nay). Nhờ ơn Chúa, cả hai làng Plei Jơdrâp và Ia Klâu là những làng đầu tiên đã theo đạo vào năm 1903 thời cha Kemlin (Văn), sau 50 năm nỗ lực bền bỉ loan báo Tin Mừng cho người dân tộc Jrai vùng phía Nam này (1853-1903).


II. LÀNG IA KLÂU THEO ĐẠO CHO ĐẾN HỌ ĐẠO KLÂU RƠNGOL (1903-2013)
1. Cha Emile Kemlin (Văn) thành lập địa sở Plei Jơdrâp - Làng Ia Klâu tòng giáo.



Cha Emile Kemlin (Văn) sinh ngày 17/07/1875 tại Lusse (Vosges), nước Pháp, trong một gia đình Công giáo, được phú bẩm một óc rất thông minh, một sức làm việc lạ thường. Gia nhập Chủng viện Hội Thừa sai Paris ngày 17/09/1896; thụ phong linh mục vào ngày 26/07/1898 và nhận giấy bổ nhiệm làm Vị Đại Diện Tông Toà của Địa Phận Qui Nhơn. Ngài lên đường truyền giáo ngày 03/08/1898.

Khi đến Qui Nhơn, ngài được chỉ định ở Gò Thị để học tiếng Việt. Năm 1899, cha Vialleton (Truyền), Bề Trên Miền Truyền Giáo Kon Tum, xin được cha Kemlin lên trên đó. Đối với cha Kemlin, đó là một cuộc hy tế thật sự, nhưng ngài đã ra đi đến nhiệm sở mới, mặc dù Cha Jeanningros đề nghị xin đi thay cho ngài.

Dưới sự hướng dẫn của cha Irigoyen, ngài học tiếng dân tộc Rơngao. Dân tộc Rơngao là một nhánh của dân Bahnar; chẳng mấy chốc ngài thông thạo tiếng Rơngao. Năm sau, ngài trở thành người đầu tiên phụ trách một địa sở mới dân Hamong. Đây là một địa sở nằm sâu  giữa vùng dân Halăng và dân Xêđăng.

Vào năm 1901, ngài gặp rắc rối vụ đồn trưởng Robert. Chính quyền Pháp ở Attopeu, không quan tâm đến não trạng của người dân và những nguy hiểm của sự việc, nên đã gởi một viên sĩ quan tên là Robert, đến để xây dựng một đồn bót ở bên hữu ngạn con sông Pôkô, tại ngay hạ lưu với con sông Pxi, một chút về phía bắc của địa sở cha Kemlin. Ngày 17/05/1901, vào khoảng 9 giờ sáng, hơn 100 chiến binh người Xêđăng tấn công vào đồn lính không được canh giữ, gây trọng thương cho Robert và vài người lính Việt. Cha Kemlin cấp tốc chuyển Robert sắp chết về Kon Tum ngay, và ngài cứu lấy những thứ còn lại trong đồn: đồ đạc, thực phẩm…

Cha Kemlin sống tại làng Dak Drei. Những chiến binh người Xêđăng do chủ làng Dak Drei cầm đầu đã tấn công ba lần nơi ở của cha, nhưng đều bị đẩy lùi. Đó là vào ngày 24/11//1901.

Vào tháng 03/1902, ông Castanier, một quan chức của chính phủ ở Attopeu tổ chức một đoàn quân có sứ mạng thiết lập lại hòa bình trong vùng này. Cha Kemlin điều đình, khuyên nhủ.

Trong khi đoàn quân thi hành sứ mạng, thì nhà ở, nhà thờ và mọi thứ đồ đạc của ngài đều bị đốt cháy, phá trụi.

Hoà bình được lập lại nơi người Xêđăng, Cha Kemlin tiếp tục việc loan báo Tin Mừng cho dân Rơngao. Các làng Kon Gong, Dak Kan, Pơlei Arang theo đạo. “Và băng qua bên kia sông Dak Bla, ở phía nam trong giới hạn khu vực phụ trách của mình, cha Kemlin đã thành lập làng công giáo Pơlei Jơdrâp, mà chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành trung tâm của một địa sở mới. Một ngôi làng láng giềng, Ia Klâu, đã đặt vị thừa sai trước thách thức loan báo Tin Mừng. Đức Chúa Trời biết những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta được ban cho, là để có được sự cải đạo của ngôi làng này, trong cùng năm đó (1903), cha Kemlin đã may mắn đưa làng Ia Klâu vào trong số cộng đoàn Kitô hữu của mình”[8].

Ia Klâu nằm ở phía nam cách Plei Jơrâp khoảng 12 km, trong lưu vực chỗ hợp lưu giữa 3 nhánh sông: sông Sêsan, sông Pôkô và sông Dak Bla.

Dân làng Pơlei Jơrâp và Ia Klâu đã đón nhận đức tin năm 1903. Nhưng vào năm 1905, mệt nhọc vì bao công việc, nên cha Kemlin phải đến Hồng Kông để dưỡng sức. Năm 1906, trở về, ngài tổ chức thành lập làng Pơlei Jơrâp. Đây là một làng công giáo do ngài đặt nền móng và xây nên một ngôi nhà thờ, đó là một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất của Miền Truyền Giáo này lúc bấy giờ, và đó cũng là trung tâm của địa sở mới.

Cha Kemlin đi khắp địa sở của ngài để chỉ dẫn việc xây dựng các nhà thờ, để thăm viếng, để dạy dỗ các bổn đạo và trải qua hàng giờ thâu đêm nói chuyện với họ[9].

Theo ghi nhận tại giáo xứ Klâu Rơngol thì giáo xứ đã theo đạo từ năm 1907. Cũng có thể đó là năm dựng nhà nguyện, vì như trên đã nói, cha Kemlin sau khi lập làng Plei Jơdrâp năm 1906 (dân làng đã theo đạo từ trước đó vào năm 1903), cha đã lo lắng xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện trong khắp địa sở của ngài, trong đó có họ đạo Ia Klâu (tiền thân giáo xứ Klâu Rơngol ngày nay)…


2. Năm 1920, chia tách làng.
Ngày 29/01/1912, cha Guerlach (Cảnh), vị Đại  Diện Giám mục, Bề Trên Miền Truyền Giáo Kon Tum qua đời. Cha Kemlin được chọn kế vị. Công việc của người kế vị nặng nề và đang trong thời gian khó khăn. Ngài về Kon Tum cư ngụ. Vào cuối năm 1913, ngài bị buộc phải sang Hồng Kông nghỉ ngơi dưỡng sức.

Năm 1915, Cha J.B Décrouille (Tôn) từ địa sở Plei Rơngol-Thanh Bình (Gia Lai) được thuyên chuyển về phụ trách địa sở Plei Jơdrâp[10].

Vào năm 1920, một biến cố đã xảy ra cho làng Ia Klâu. Đó là việc chia tách làng. Ia Klâu đã chia tách thành hai làng: Ia Klâu Klah (làng được tách ra từ làng Ia Klâu), và Ia Klâu Rơngol (làng Ia Klâu cũ, làng Ia Klâu gốc). Lý do tách làng thường là vì chiến cuộc, hoặc vì nhiều lý do như bệnh dịch, cháy làng, xung đột, tìm đất canh tác mới.v.v.

Qua thời gian, nhiều làng kề cận khác trong vùng lần lượt theo đạo, Ia Klâu Rơngol trở thành tên gọi chung cho họ đạo, với thánh bổn mạng là Thánh Gioan Baotixita (mừng vào 24/06 hằng năm), trực thuộc địa sở Plei Jơdrâp. Ngày nay tên giáo xứ được gọi gọn là Klâu Rơngol (ngày xưa cũng có khi được ghi theo âm Bahnar là Klâu kơtu (kơtu: cũ, gốc)[11].



Bản đồ Vùng Đông-Nam Miền Truyền Giáo Kontum           (Trích : Échos năm 1939)
3. Thống kê - Các cha phụ trách giáo xứ Klâu Rơngol
A/ Theo “Echos de la Mission”, tờ thông tin chính thức của địa phận Kon Tum, tên các họ đạo, năm tòng giáo cũng như các linh mục phụ trách địa sở Plei Jơdrâp, bao gồm họ đạo Ia Klâu (tiền thân của giáo xứ Klâu Rơngol ngày nay) như sau:

ĐỊA SỞ PLEI JƠDRÂP (Rơngao - Jrai - Halang)
TÊN HỌ ĐẠO
Năm tòng giáo
Linh mục phụ trách
Năm phụ trách

P. JƠDRÂP
Tung tâm người Hamòng
P. IA KLÂU
       tách ra năm
P. RƠUẮK do các tín hữu trung thành của HAMÒNG KƠTU và D. DREI - Hai làng bỏ đạo
P. KNONG KƠTU
bỏ đạo
trở lại
P. KLECH
NGÔ THẠNH dưới tên gọi là
 TÂN THẠNH (người Kinh)
Được gọi là NGÔ THẠNH từ
PLEI KƠBEI
P. PƠDƯ
DAK RƠDE

1903
1905
1903
1920


1905
1903
1912
1934
1917

1916
1920
1934
1940
1947


Cha Kemlin
Cha Priou
Cha Kemlin
Cha Décrouille
Cha Ban
Cha Diện

Cha Thọ
Cha Phương

Cha Huy
Cha Phương

1903-1912
1911-1914
1914
1915-1923
1915-1918
1923-1945

1943-1945
1945-1946

1946-1948
1948-
(Trích Echos de la Mission, địa phận Kon Tum, tháng 5-6-7/1949)

Cha Simon Nguyễn Diện (phụ trách địa sở Plei Jơdrâp 1923-1945), trong báo cáo tình hình địa sở năm 1936, đã ghi lại như sau:

“Ngôi làng Plei Jơdrâp nằm trên một nhánh sông nhìn ra sông Bla, không xa chỗ hợp lưu với sông Pơkô. Địa sở như là một lãnh địa tách biệt, một vùng dất rộng lớn để truyền giáo; một số cộng đoàn Kitô hữu  nằm cách xa 30 km về phía tây và 40 km về phía nam, tiếp giáp  với bộ lạc Jarai, nhưng bộ lạc này đã cho chúng ta quá ít an ủi trong hiện tại và quá ít hy vọng cho tương lai.
Năm nay, dân số Kitô giáo đã tăng nhẹ. Về đời sống tinh thần , ngoại trừ Pơlei Rơuak và Pơlei Klâu Klah, hầu hết các làng khác đang tiến bộ đáng kể.
Ở phía nam, nhiều ngôi làng của chúng ta bị ảnh hưởng bởi cơn bão Satan này, hiện đang thổi mạnh vào những cao nguyên khổng lồ của người Jrai. Trong khu vực này, có vẻ như tất cả bọn quỷ đã rời địa ngục để cản trở những người Thượng tội nghiệp của chúng ta. . Chúng muốn làm họ sợ hãi để khiến họ tránh xa đường công chính”[12].

Năm 1948:   (x. Echos 1949, tr. 11).
+Ia Klâu Rơngol: 242 tín hữu; 2 dự tòng;   
  Các học sinh học trường Kuênot: Jar, Chuan, Geh.
+Ia Klâu Klah: 144 tín hữu; 2 dự tòng;
  Các học sinh học trường Kuênot: Jơi, Nim.

B/ QUÝ LINH MỤC PHỤ TRÁCH GIÁO XỨ KLÂU RƠNGOL QUA CÁC THỜI KỲ



Cha Kemlin (Văn) 1903-1912


Cha Priou (Tài)     1911-1914

Cha J.B Décrouille (Tôn)  1914-1923

Cha Lê Đình Ban     1915-1918

  
Cha Nguyễn Diện     1923-1943



Cha Lê Thọ     1943-1945



Cha Ng. Quang Huy 1946-1948



Cha Lưu Phương   1945-1946;   1948-1962



Cha Ngô Đ Thận     1948-1951



Cha Lê T  Ánh   1951



Cha Trần K Lê       1962-1963



Cha Ng. Tấn Đường 1963-2006


Cha Giuse Trần Ngọc Tín 2006-12/2010


Cha P. Ng. Ngọc Thanh 12/2010-01/09/2013



Cha Phêrô Trần Quốc Hải  01/09/2013 - ……







ĐC Micae đến dâng lễ ban Thêm Sức cho 108 em Jrai thuộc giáo xứ Klâu Rơngol ngày 18/05/2008
Đức Cha Aloisiô và Cha sở Klâu Rơngol
Bản đồ vị trí Nhà thờ Klâu Rơngol, gx. Klâu Rơngol hiện nay 

III. GIÁO XỨ KLÂU RƠNGOL TIẾN BƯỚC HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI (2013…)

Ngày 01/09/2013, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Quốc Hải (sinh 1972, Lm 2008) làm chính xứ Klâu Rơngol (đến nhận xứ ngày 12.10.2013). Từ đây Klâu Rơngol trở thành một giáo xứ độc lập, tách khỏi giáo xứ Plei Jơdrâp, và cha Phêrô Trần Quốc Hải là cha sở tiên khởi.

Cha sở Phêrô đã đem hết tâm sức, nhiệt huyết để phục vụ giáo xứ. Chẳng những chăm lo chu đáo phần tâm linh, cha còn tìm mọi phương cách giúp đỡ bà con để thăng tiến cuộc sống như: giúp phương tiện canh tác (đời sống người dân trong vùng chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, phương thức sản xuất còn lạc hậu…đời sống gặp nhiều khó khăn); giúp xây dựng, sữa chữa nhà cửa; giúp thuốc men đẩy lùi bệnh tật.v.v.

Ngày 08/03/2016, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã chính thức ký quyết định thành lập Giáo xứ Klâu Rơngol, nằm trên địa bàn thôn Klâu Ngol Ngó, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, trực thuộc Giáo hạt Kon Tum, Giáo phận Kon Tum (Quyết định công nhận giáo xứ của Nhà Nước ngày 19/08/2016 gọi theo tên hành chính của thôn là Giáo xứ Klâu Ngol Ngó!).

Từ 2013 giáo xứ có 10 làng, đến nay thêm được 2 làng mới là Plei Druân (nhập từ giáo xứ Plei Rơhai năm 2016), và làng Plei Mok.

Giáo xứ Klâu Rơngol vẫn chưa có nhà thờ, chỉ có một ngôi nhà nguyện nhỏ được bà con làm bằng gỗ, vách trát đất trộn rơm, được làm từ năm 1980 thời cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường, với sức chứa khoảng 400 giáo dân, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó con số tín hữu hiện tại đã hơn 4200 tín hữu. Vì vậy vào tháng 10/2017, cha sở và giáo dân đã quyết định khởi công xây ngôi thánh đường mới khang trang và rộng mở để đón tất cả giáo dân với niềm tin và hy vọng.

Cha sở và giáo xứ cũng đã mua đất ở một vài làng khác trong giáo xứ như Klâu Klah.v.v.chuẩn bị khi có đủ tài lực sẽ xây dựng nhà thờ tại các làng đó.

Sau gần 2 năm thi công với biết bao cố gắng, hy sinh của cha sở, của bà con giáo dân, với sự góp sức to lớn của Tòa Giám Mục, quý ân thân nhân xa gần, đến tháng 7 năm 2019, hầu hết các hạng mục đều hoàn thành.

Ngày 24/7/2019, cộng đoàn giáo xứ hân hoan chào đón Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận đến chủ tế Thánh Lễ Cung Hiến Nhà Thờ, Làm Phép Tháp Chuông và Làm Phép Nhà Xứ.

Một tương lai tươi sáng đang mở ra cho giáo xứ Klâu Rơngol!
Xin tạ ơn Chúa! Tạ ơn Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 Xin cám ơn các ân thân nhân.
Và chúng ta cùng nhìn lại hành trình đức tin của giáo xứ hơn 100 năm qua, để biết ơn các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, giáo dân Thượng-Kinh, đã góp công khai phá và gieo trồng trong vô vàn gian lao thử thách, với bao mồ hôi nước mắt, để giáo xứ Klâu Rơngol có được như ngày hôm nay, để rồi cùng nhau quyết tâm lên đường tiếp bước tiền nhân, sống và loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người.

VÀI HÌNH ẢNH NHÀ THỜ KLÂU RƠNGOL

















“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
                                                   (Tv 118, 1)

                                                  Phêrô Lê Minh Sơn



 


[1] x. Echos de la Mission, địa phận Kontum, tháng 5-6-7/1949.

[2] x. P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008, tr. 91.
[3] x. Cha P. Ban và cha S. Thiệt, Mở Đạo Kontum, Imprimerie de Quinhon 5/1933, tr. 64.
[4] x. Tiểu sử cha Marie Rosaire Fontaine, Văn khố MEP: www.mepasie.org.
[5] x. P. Dourisboure, sđd, tr. 91.
[6] x. Lm Goakim Nguyễn Hoàng Sơn, Địa sở Plei Jơdrâp, Pater 01/2005, tr. 35-36.
[7] x. Cha P. Ban và cha S. Thiệt, sđd, tr. 64 và 81.

[8] x. M. Kemlin, Compte-rendu des travaux - Société des missions étrangères, tr. 171.
[9]x. Tiểu sử cha Emile Kemlin, Văn khố MEP: www.mepasie.org.

[10] x. Echos de la Mission, địa phận Kontum, tháng 5-6-7/1949.
[11] x. Chức dịch thơ tín, Địa phận Kontum, số 20 Decembre 1934, tr. 239.

[12] x. La Mission des Pays Mois en 1937, Vicariat Apostolique de Kontum, Annam.


Nhận xét

  1. Xét nghiệm máu chảy máu đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kiểm tra tình trạng chảy và đông máu của cơ thể. Vậy ý nghĩa của xét nghiệm máu này là gì?
    Đa khoa Phương Nam khám bệnh với chất lượng tốt nhất

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét